Các bạn Nhật Bản đến với Việt Nam chắc rằng đều cảm thấy yêu mến nền văn hóa truyền thống đặc sắc cũng như những món ăn truyền thống của Việt Nam, trong khi người dân Việt Nam, nhất là các bạn trẻ, hào hứng tham dự các sự kiện giới thiệu văn hóa Nhật Bản để được ngắm hoa anh đào, thưởng thức các món ăn Nhật Bản hay tìm hiểu nghi lễ Trà đạo.
Sự giao lưu ngày càng mật thiết cùng với sự tương đồng về văn hóa, tập quán đã giúp nhân dân hai nước trở nên gần gũi và dễ dàng hiểu nhau hơn.
Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam và Nhật Bản đều nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa, giao lưu văn hóa nhằm nâng cao tầm ảnh hưởng của quốc gia ra thế giới, phục vụ lợi ích dân tộc.
Đối với Nhật Bản giao lưu văn hóa dựa trên ba trụ cột là truyền bá, hấp thu và cộng sinh. Nghĩa là, dạng thức văn hóa tự thân "truyền bá" ra ngoài, "hấp thu" văn hóa ngoại quốc ưu tú trong giao lưu "cộng sinh" ra cái mới.
Đối với Việt Nam giao lưu văn hóa cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế là một trong ba trụ cột chính nhằm xây dựng một xã hội "dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh".
Trong chiến lược phát triển của mình, Việt Nam coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Việc giao lưu, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa từ các nền văn hóa trên thế giới là cốt yếu để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.